(Bài viết của chị Hoà Trần - Admin nhà Dạy con từ thuở còn thơ)
ĂN VẠ - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ
Gần đây nhiều bạn hỏi về cách “điều trị” chứng “ăn vạ” của con, nên mình viết hẳn lại 1 bài về chuyện này, tổng hợp từ các kiến thức mình có và kinh nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
I. KHÁI NIỆM
“Ăn vạ” – theo như cách chúng ta hay gọi – là để chỉ việc bé phản ứng bằng cách khóc lóc, la hét, cào cấu, cắn, đánh, thậm chí lăn đùng ra sàn giãy đành đạch . Bé có thể có những phản ứng như vậy trong những tình huống khác nhau:- Khi bé đòi hỏi một thứ gì đó, hoặc đòi làm một việc gì đó mà người lớn không đồng ý
- Khi bé muốn làm điều gì đó mà không làm được, chẳng hạn như bé không xỏ được chân vào giày, không xúc được cơm, không lắp được 2 miếng ghép vào nhau, không tìm thấy món đồ bé thích …
- Khi bé không muốn làm điều mà người lớn yêu cầu, ví dụ như bé không chịu mang tất khi trời lạnh, không chịu đi về khi đang chơi…
Tất cả những việc nho nhỏ ấy đều có thể khiến bé nổi cơn thịnh nộ và thường được gọi là “các cơn bùng nổ cảm xúc” (tantrums)
II. NGUYÊN NHÂN
1. Không kiềm chế được cảm xúc
Từ 1 tuổi trở đi, bé phát triển rất nhanh về trí tưởng tượng và cảm xúc, trong khi cơ thể vẫn còn quá nhỏ bé và bé chưa có khả năng kiềm chế hay xử lý những cảm xúc tiêu cực. Vì thế, một việc dù rất nhỏ (đối với chúng ta) cũng có thể khiến bé nổi khùng lên, và khi bé không biết phải làm thế nào đối với cơn tức giận hay nỗi thất vọng đang tràn đầy trong lòng thì việc la hét, khóc lóc, hay đánh người khác là cách dễ dàng nhất để bé biểu lộ cảm xúc và giải tỏa chúng. Hãy nghĩ về bản thân chúng ta mà xem, có phải khi tức giận quá ta cũng muốn khóc, muốn đập phá, muốn hét lên, hay thậm chí là chửi bậy, đúng không?
2. Khẳng định bản thân và gây sự chú ý
Cũng khoảng từ 1 tuổi, bé bắt đầu ý thức rõ rệt về bản thân là một thực thể độc lập – bé cũng nhận ra hình mình trong gương ở khoảng thời gian này. Đồng thời, bé bắt đầu công cuộc chiến đấu để khẳng định sự độc lập đó Cuộc chiến đấu khẳng định “cái tôi” này sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng 3 tuổi, lắng xuống vào khoảng 6 tuổi trước khi lại bùng lên vào tuổi dậy thì. Từ “Không” sẽ trở thành từ ngữ yêu thích nhất của bé. Bé nhanh chóng học được rằng la hét, cắn, đánh người khác là cách nhanh nhất để có được sự chú ý của bố mẹ, và làm trái ý bố mẹ dường như là cách tốt nhất để khẳng định bản thân.
3. Thử vượt qua giới hạn
Hiếm có bé nào khi bố mẹ nói “không được” mà lại ngừng ngay tức khắc cả. Bé sẽ thử mọi cách, từ ỉ ôi khóc lóc cho đến lăn ra sàn nhà, đập đầu vào tường, đánh bố mẹ… để đạt được điều mình muốn. Hôm nay bé thử cách này không được thì ngày mai bé sẽ thử cách khác. Hôm nay bé khóc 5 phút không được, ngày mai bé khóc 15ph cho mẹ xem. Đó là cách để bé thử sức chịu đựng của bố mẹ và thử “công cụ” của mình. Bạn chỉ thua bé 1 lần thôi là cầm chắc bạn sẽ thua bé luôn mọi trận chiến về sau.
III. CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ?
1. Hạn chế cấm đoán
Tạo môi trường an toàn cho bé khám phá và hạn chế số lần nói “không/ không được” với bé. Bị cấm đoán nhiều quá sẽ làm bé lúc nào cũng ấm ức trong lòng và dễ dàng bộc phát khi cảm thấy không chịu đựng được nữa. Một cơn bùng nổ cảm xúc tại thời điểm này có thể có nguồn gốc từ những ấm ức tích tụ trong lòng trong suốt cả ngày hôm đó.
Khi bé đòi hỏi thì cần xác định ngay mình có cho con cái thứ đó không. Nếu có thể cho được thì cho luôn, chứ đừng nói không xong rồi bé khóc lóc quá lại đưa bé -> bé sẽ hiểu là cứ khóc là sẽ đòi được.
Nếu không thể cho được thì nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nói "Không được" với bé. Tùy lứa tuổi của bé mà mẹ có thể giải thích sao cho bé vừa đủ hiểu. Tuy nhiên ko nên nói quá dài. VD với bé 12-15 tháng, mẹ có thể nói ngắn gọn, "không được, nóng đấy" hoặc "không được, điện thoại là của mẹ". Sau đó cất ngay cái món đồ đó đi hoặc đưa bé ra chỗ khác.
Nếu có thể, hãy cho bé trải nghiệm để hiểu lí do tại sao lại không được. VD, bạn có thể cho bé sờ thử vào vỏ nồi cơm điện để bé thấy nóng thế nào.
2. Trao cho bé quyền kiểm soát tích cực và tạo cơ hội cho bé được thể hiện « quyền lực » này.
Các bé nhỏ thì bạn có thể dễ dàng đánh lạc hướng để bé chú ý sang chuyện khác vì bé cũng chóng quên, nhưng với các bé lớn ko dễ quên thế thì mẹ cho bé lựa chọn. VD, "điện thoại để mẹ làm việc, ko phải đồ chơi. Bây giờ con muốn chơi ô tô hay muốn mẹ đọc truyện?" Bọn trẻ con có cái rất buồn cười là nó thích tỏ ra có quyền lực. Nếu mẹ chỉ hỏi là "con chơi ô tô nhé?" thì nó sẽ "không" ngay lập tức, nhưng nếu hỏi "con chơi ô tô hay chơi ném bóng" thì nó lại dễ dàng thỏa hiệp.
Bạn cần nhớ rằng từ 18 tháng trở đi thì việc bắt ép bé nhất nhất nghe lời là vô ích. Tốt hơn hết là cho bé tự lựa chọn và quyết định những vấn đề có liên quan đến bé. Việc của mẹ là làm sao đưa ra được những giới hạn lựa chọn phù hợp. Ví dụ, nếu trời lạnh mà con không chịu mang tất/vớ thì thay vì bắt con phải đi tất hoặc giải thích lằng ngoằng rằng trời lạnh, con không đi tất thì sẽ ốm…, mẹ chỉ cần hỏi, « con muốn đi tất có hình bạn thỏ hay hình bạn mèo Kitty » là có thể giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng.
Việc trao quyền lựa chọn này cần được thực hiện với mọi tình huống, mọi nơi mọi lúc có thể, trong suốt cả ngày, chứ không chỉ đến khi có vấn đề mới cho con lựa chọn. Khi ăn sáng, hãy hỏi bé «Con muốn uống sữa hay ăn bánh mì? ». Khi đọc truyện cho bé, hãy hỏi, «Con muốn mẹ đọc truyện Chuột Típ hay truyện Ô tô Mc Queen? ». Đến giờ ăn tối, hãy hỏi bé «Con muốn ngồi cạnh mẹ hay ngồi cạnh bố?». Khi đi học, hãy hỏi « Con muốn mặc áo hồng hay váy xanh? » … Khi bé có nhiều cơ hội để thể hiện ý chí của bản thân thì bé sẽ bớt tức giận khi chuyện không như ý bé.
Ngay cả khi bạn bắt buộc phải yêu cầu bé nghe lời mình, ví dụ như khi bé kiên quyết đòi đi chân không ra đường, mặc dù bạn đã hỏi bé là con muốn đi dép xanh hay dép đỏ, thì bạn vẫn có thể biến nó thành lựa chọn cho bé, chẳng hạn, « Bây giờ một là con đi dép và đi chơi ngoài đường, hai là con đi chân không và chơi ở nhà. Con chọn cái nào?»
3. Lờ bé đi
Cách này hiệu quả khi bé ăn vạ là để lôi kéo sự chú ý hoặc để thử sức chịu đựng của bạn. Bé sẽ triệt để áp dụng việc ăn vạ nhằm mục đích này khi ở chỗ đông người. Nhiều bạn than phiền rằng con em ở nhà rất ngoan, nhưng khi có ông bà hoặc đến chỗ đông người là không bảo được nó. Đó là vì bé biết được trogn hoàn cảnh đó mẹ dễ dàng chiều theo ý bé.
Cách tốt nhất là bạn hãy lờ bé đi. Tỏ ra không hề quan tâm gì đến chuyện bé làm. Không nói. Không dỗ dành. Không khuyên bảo. Không quát nạt. Bạn có thể đứng khoanh tay nhìn chỗ khác một cách thờ ơ; có thể bỏ đi làm việc của mình; cũng có thể ngồi im lặng bên cạnh đợi bao giờ bé khóc xong thì thôi (nếu bạn cũng là người nóng tính thì không nên ngồi cạnh, vì bạn sẽ dễ dàng nổi xung lên còn hơn cả bé). Với các bé có xu hướng « bạo lực » như đập đầu vào tường chẳng hạn, thì mẹ luôn chuẩn bị sẵn một nơi an toàn như đống chăn, đệm, khi bé ăn vạ mẹ mang bé đặt vào đó, kệ bé thích đập vào đâu thì đập
Khi ở chỗ đông người, bạn hãy bế bé ra một nơi vắng hơn và để bé khóc. Khi đó bé sẽ không còn « cậy đông người » để ăn vạ, bạn cũng không bị ảnh hưởng bởi những cái nhìn ngó của người xung quanh, và cũng không làm ảnh hưởng đến họ nữa.
Nếu bé ăn vạ vài lần mà không ăn thua gì thì những lần sau bé sẽ bớt trò đó đi. Giống như diễn kịch mà không ai xem ấy mà, bé sẽ chán ngay. Tất nhiên là bé sẽ vẫn khóc, vẫn la hét – bé cần được làm thế để giải tỏa cảm xúc, nhưng bé sẽ không ăn vạ để đòi bằng được thứ bé muốn nữa.
Bé có quyền gây chiến. Nhưng bạn có quyền không tham gia vào trận chiến đó.
4. Dành cho bé đầy đủ sự quan tâm
Nếu bạn quá bận rộn, bạn thấy bé chơi ngoan, bạn để bé chơi một mình. Chỉ khi nào bé gây chuyện bạn mới nhắc nhở, mắng, phạt bé, thì bé sẽ hiểu rằng, gây chuyện như khóc, ăn vạ, cắn, đánh người khác, làm trái ý bố mẹ, là cách nhanh nhất để có được sự chú ý của người lớn.
Vì thế, cũng giống như đối với quyền kiểm soát ở trên, bạn hãy dành thật nhiều thời gian với bé, cho bé đầy đủ sự quan tâm chú ý vào mọi thời điểm có thể trong ngày. Khi bé có được đầy đủ sự quan tâm của bố mẹ rồi thì bé sẽ bớt ăn vạ để gây sự chú ý đi.
Trong trường hợp bố mẹ quá bận rộn, hãy dành một khoảng thời gian cố định trong ngày, ví dụ 30 phút mỗi tối, để dành riêng cho bé. Mẹ con có thể đặt tên cho khoảng thời gian đó, đặt đồng hồ cho bé thấy, sau đó bảo bé rằng trong 30ph đó 2 mẹ con sẽ làm bất kì thứ gì bé muốn, theo cách bé muốn. Hãy làm sao cho khoảng thời gian đó là cực kì thú vị đối với bé và bé sẽ nôn nóng mong đến giờ đó ngày hôm sau.
5. Giúp bé giải tỏa cảm xúc
- Để bé khóc. Một số mẹ cố gắng dỗ cho con không khóc, sợ con khóc nó quen đi. Số khác lại theo trường phái cứng rắn, không cho bé khóc. Cả hai đều không nên. Bé cần được giải tỏa cảm xúc, và khóc là một cách tốt để cảm thấy nhẹ lòng. Ngoài ra bạn có thể làm những việc khác giúp bé giải tỏa cảm xúc một cách tích cực
- Giúp bé mô tả cảm xúc. Hãy ngồi xuống bên cạnh, nhìn vào mắt bé và nhẹ nhàng nói, « Mẹ biết là con rất tức giận/ thất vọng/ buồn/ chán… ». Nhận biết, gọi tên được cảm xúc là bước đầu tiên trong quá trình kiểm soát cảm xúc.
- Ngồi cạnh, bảo bé rằng mẹ sẽ ở đây bên cạnh con. Bạn có thể ôm bé vào lòng nếu bé muốn. Bạn không cần nói gì cả vì bé chỉ cần biết là mẹ vẫn luôn ở bên cạnh bé, dù bé có thế nào đi nữa. Hơn nữa, những lời giáo huấn luôn là khó nghe nhất đối với mọi đứa trẻ. Bạn sẽ thấy là chỉ 1 lúc sau, bé sẽ hết thút thít và bình tâm trở lại ngay.
6. Nhận biết trước tình huống
Một số bé sẽ có xu hướng dễ bùng nổ cảm xúc ở những thời điểm nhất định, những hoàn cảnh nhất định. Ví dụ như khi bé đói, khi bé mệt, khi có người lạ (bé sợ). Bố mẹ hãy để ý quan sát, nhận biết những tình huống đó và tránh trước, cố gắng đừng để bé rơi vào hoàn cảnh đó. Nếu bé đang trong trạng thái đó, hãy giải quyết tình huống đó trước : cho bé ăn, nằm nghỉ cùng với bé, hoặc đưa bé ra khỏi chỗ có người lạ.
7. Không la mắng, đánh, phạt bé
Vì sao ? Vì những điều đó không giúp bé giải tỏa cảm xúc, thậm chí còn làm chúng tệ hơn. Một đứa trẻ trong cơn tức giận cần được làm dịu đi trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Xử lý các cơn bùng nổ cảm xúc
(Bài viết của chị Hoà Trần - Admin nhà Dạy con từ thuở còn thơ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét