NHÀ TRA THUỐC CHO MẸ SỮA VÀ KQXN CHO BÉ SỮA TẬP 3:
Hội SM không kê toa thuốc, nhưng có thể giúp các mẹ tra lại các loại thuốc đã được bác sĩ kê toa xem có phù hợp với mẹ sữa hay không.
PS: các mẹ chỉ cần đọc bài viết chia sẻ ở link là sẽ tự tra được rất nhiều thuốc dùng được hay không dùng được trong thời kì cho con bú. Trước khi chờ người khác giúp, các mẹ hãy tự bảo vệ mình và bé sữa nhé.
-------
Tham khao bài viết:
Bà mẹ đang cho con bú cũng có thể bị các bệnh trong thời gian này, và khi biết mình mắc bệnh, bà mẹ lo lắng sợ lây cho con và không biết có thể tiếp tục cho con bú sữa trong thời gian mắc bệnh hay không.
I- Cơ sở khoa học - HỆ MIỄN DỊCH THÍCH ỨNG - cơ chế tạo "kháng thể chỉ định" cho bé trong sữa mẹ, khi mẹ tiếp xúc với mầm bệnh/ khuẩn có hại:
Chắc các mẹ còn nhớ trong bài bú mẹ trực tiếp tốt hơn bú sữa mẹ bằng bình như thế nào, Betibuti có nhắc đến Hệ Miễn dịch Tổng quát và Hệ Miễn dịch Thích ứng, và hứa sẽ giải thích chi tiết về Hệ miễn dịch đặc biệt này, có mối liên quan chặt chẻ đến cơ sở khoa học của bài viết này.
Bà mẹ cho con bú và bé bú mẹ được gọi là "một cặp mẹ-con" (the dyad) vì có một hệ thống sinh học khép kín giữa hai cá thể này, tạo nên sự phản hồi và trao đổi sinh học nhạy bén, giúp con được bảo vệ tối ưu.
Các bà mẹ thường lo lắng khi mình bị bệnh, mà quên rằng cả mẹ và bé đều đã tiếp xúc với cùng các loại khuẩn và mầm bệnh từ trước phát bệnh, vì các mầm bệnh đều có thời gian ủ bệnh.
Ngay khi bà mẹ (và bé) tiếp xúc với mầm bệnh, cơ thể mẹ trong vòng 24 giờ đã tạo ra và truyền từ máu mẹ vào sữa mẹ đúng loại kháng thể chỉ định đối với mầm bệnh đó để cung cấp cho bé khả năng miễn nhiễm, gọi là "hệ miễn nhiễm thích ứng", đáp ứng tức thời trong môi trường mà mẹ và bé tiếp xúc.
Vì vậy, khi mẹ bị bệnh thì nên cho con bú mẹ trực tiếp, để con được cung cấp loại kháng thể cần thiết nhất cho con trong thời điểm đó, kể cả các vấn đề ở bầu vú, như viêm đầu ti, viêm tuyến sữa, hay cảm cúm, tiêu chảy, dị ứng.. cho đến các bệnh như viêm gan siêu vi B, HIV, ung thư, nếu mẹ được xét nghiệm, điều trị bằng loại dược phẩm hoặc liệu pháp phù hợp.
II- Mẹ có được dùng thuốc khi bị bệnh và tiếp tục cho con bú.
Tạp Chí Chuyên đề Nhi Khoa (Mỹ) (The Pediatrics - Vol 132, Số 3, Tháng 9/ 2013) của nhóm nghiên cứu do bác sĩ Hari Cheryl Sachs đứng đầu nhóm nghiên cứu đã đưa ra câu trả lời chi tiết và cập nhật nhất về mối quan tâm này, Betibuti xin được chia sẻ một số ý chính để các mẹ tham khảo.
Tạp chí chuyên đề nói trên nêu lên về một số chủ đề như: việc sử dụng các phương pháp điều trị tâm thần, an thần, trầm cảm, thuốc để điều trị lạm dụng chất, như ma tuý, thuốc giảm đau, thuốc lợi sữa, các sản phẩm thảo dược, chẩn đoán bằng hình ảnh, tiêm chủng (của mẹ/ của bé bú mẹ)
1- Các yếu tố cần xem xét khi bà mẹ cho con bú cần dùng thuốc:
Nhiều bà mẹ thường không biết rõ hoặc bị "hăm doạ" về tác động của thuốc mình uống lên bé, nên hoặc quá lo lắng không dám uống tí thuốc nào, hoặc ngừng cho con bú không cần thiết và không khoa học, bởi vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ thuốc là chống chỉ định đối với bà mẹ cho con bú hoặc không tốt cho bé bú mẹ, và bé cần được tiếp tục bú mẹ để hưởng lợi ích của hệ miễn dịch thích ứng nói trên. Ngoại trừ khi dùng một số hợp chất phóng xạ, các bà mẹ nên tạm dừng cho bú hoặc cai sữa.
Để cân nhắc MẸ CÓ NÊN DÙNG THUỐC HAY KHÔNG, cần xem xét các yếu tố sau:
- nhu cầu sử dụng loại thuốc đó cho bà mẹ, có nhất thiết dùng thuốc hay không?
- thuốc có ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa, có làm giảm sữa hay không?
- nồng độ thuốc tiết vào sữa mẹ như thế nào?
- có liệu pháp nào khác, hoăc trì hoãn được việc dùng thuốc hay không?
Nếu MẸ THẬT SỰ CẦN DÙNG THUỐC, thì cần xem xét tiếp đến các yếu tố sau:
Các hoạt chất/ dược chất tiết vào sữa mẹ cao hay thấp?(nếu không ion hoá, trọng lượng phân tử nhỏ, phân bổ thưa, khả năng bám vào protein trong máu mẹ thấp, khả năng hoà tan trong mỡ cao, chất đó sẽ bị tiết vào sữa mẹ nhiều hơn. Thuốc có thời gian bán thải (half life) dài hơn tích tụ trong sữa lâu hơn.
Đường tiếp nhận thuốc (chích, uống, thoa, hít...) là cách nào? (Thuốc uống (thay vì tiếp nhận qua các cách khác) sẽ có khả năng bé cũng hấp thụ thuốc nhiều hơn.)
Liều lượng và thời gian điều trị thuốc như thế nào? (Thuốc dùng một lần hay lâu dài cũng có tác động khác nhau đối với bé.)
Khả năng hấp thụ vào bé như thế nào và có bằng chứng có hại từ các nghiên cứu trước đây k?
Thể trạng của bé như thế nào? bé bao nhiêu ngày/ tháng tuổi? có bệnh lý gì đặc biệt không (sinh non, hô hấp yếu...)? (Bé sinh non, sơ sinh, hay có bệnh lý có thể bị tác động khác với các bé lơn hơn và mạnh khoẻ hơn.)
[Khi các mẹ yêu cầu, các Ad của Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti) sẽ cố gắng tra cứu ở LactMed này (các nguồn uy tín chính quy của y khoa tại các nước tiên tiến khác] để giúp các mẹ xác nhận lại cụ thể toa thuốc của mình, để yên tâm là thuốc đó an toàn khi mẹ tiếp tục cho bé bú, hoặc nếu không, thì nên thay thế bằng loại thuốc nào có cùng công dụng điều trị tương tự.]
2- Các loại thuốc phổ biến, an toàn khi cho con bú (Nguồn: drugs.com):(theo toa bác sĩ và theo liều chuẩn/ tối thiểu, không được tự điều trị và lạm dụng thuốc):
3- Các loại thuốc giảm đau:
Các loại thuốc giảm đau có gốc ma túy, chẳng hạn như oxycodone, pentazocine, propoxyphen, và meperidine, không nên dùng cho bà mẹ đang cho con bú. Thay vào đó, nên dùng các thuốc giảm đâu khác, như ibuprofen và acetaminophen. (Tuy ibuprofen có thời gian bán thải dài, nhưng lượng thuốc tiết vào sữa mẹ rất thấp.)
Liều dùng thông thường của thuốc giảm đau codeine, hiếm có trường hợp gây nguy hiểm cho cho bé bú mẹ, tuy nhiên, vẫn phải thận trọng hơn khi dùng thuốc codeine và thuốc hydrocodone và cần có thêm nghiên cứu về các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc ở bà mẹ và bé bú mẹ.
Thay vào đó, các thuốc giảm đau không chứa thành phần codeine được khuyến khích sữ dụng, vd butorphanol. Nghiên cứu cho chất một lượng rất nhỏ butorphanol được tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên để giảm tác động cho cả mẹ và bé, bác sĩ nên cho liều tối thiểu và thời gian dùng ngắn nhất.
Các phương pháp gây tê cục bộ/ gây tê cột sống khi sinh cũng là cách tốt để giảm thiểu tác động của thuốc lên bé.
Aspirin có thể dùng để giảm đau nhẹ, và chỉ được dùng liều thấp (75–162 mg/d).
4- Các loại thuốc lợi sữa (GALACTAGOGUES):
Thuốc lợi sữa và các hoạt chất kích sữa, thường được dùng để hỗ trợ tăng lượng sữa, đặc biệt ở các bà mẹ sinh non, hoặc giúp phát sinh khả năng tạo sữa (induce lactation), vd khi bà mẹ chưa mang thai lần nào, nhưng muốn có thể tạo sữa để nuôi con nuôi bằng sữa mẹ.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng khoa học về tác dụng của các chất lợi sữa này, kể cả các loại thuốc như domperidome và metoclopramide, hay các phương pháp thảo dược.
Mặc dù đã từng có vài nghiên cứu chứng minh domperidone có tác dụng lợi sữa cho các bà mẹ có con sinh non, nhưng sữ dụng nó có an toàn cho bà mẹ hay không thì chưa được nghiên cứu và kết luận. FDA Mỹ đã ban hành khuyến cáo năm 2004 về việc sữ dụng domperidone ở bà mẹ cho con bú và thuốc này không được duyệt tại Mỹ, do đó, nếu nhãn thuốc này có được bán ở nước khác thì cũng không nên dùng khi cho con bú.
Một số nghiên cứu quy mô nhỏ khác, công bố năm 1990, cho rằng metoclopramide giúp tăng nồng độ prolactin, cũng có nghĩa giúp mẹ sản xuất được nhiều sữa hơn, ở mẹ sinh non cũng như sinh đủ tuần.
Tuy nhiên, những nghiên cứu tiếp sau đó lại không đưa ra được kết quả tương tự. Nồng độ thuốc metoclopramide trong sữa mẹ cũng tương tự như nồng độ trong máu người lớn. Cơ thể sơ sinh lưu giữ lượng thuốc này mà không thải ra được có thể tích tụ trong cơ thể và gây ngộ độc. Trong khi đó, bản thân thuốc metoclopramide có các phản ứng phụ như gây yếu cơ, trầm cảm, rối loạn hệ tiêu hoá.
Mặc dù một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ (8 bà mẹ) cho rằng phương pháp hít oxitocin giúp tăng lượng sữa, nhưng một thử nghiệm khác (51 bà mẹ) thì lại không có được kết quả tương tự. Ống hít Oxytocin không còn thấy bày bán ở Mỹ.
Tương tự, mặc dù nhiều kinh nghiệm được lan truyền về tác dụng lợi sữa của loại thảo dược, như fenugreekhông (cỏ cà ri), tuy nhiên các nghiên cứu chính quy lại cũng không khẳng định được hiệu quả như được lan truyền. Các nghiên cứu đến thời điểm này đều chưa công nhận hiệu quả/ tác hại việc sữ dụng thường xuyên các sản phẩm thảo dược lợi sữa.
Việc sử dụng kéo dài fenugreekhông (cỏ cà ri) có thể cần giám sát tình trạng đông máu và nồng độ đường glucose trong máu. Vì những lý do này, các sản phẩm thảo dược nói trên phụ nữ cho con bú không nên sữ dụng các loại thảo dược này thường xuyên.
Mặc dù, các bà mẹ cho con bú sử dụng thường xuyên các sản phẩm thảo dược (đến 43% bà mẹ cho con bú trong một cuộc khảo sát năm 2004), vì cho rằng thảo dược là an toàn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu và kết luận rõ ràng về độ an toàn và độ tin cậy của nhiều sản phẩm thảo dược này. Nhiều sản phẩm thảo dược chưa được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả và tác dụng phụ.
Tóm lại, các loại thuốc/ thảo dược lợi sữa có vai trò rất nhỏ trong việc hỗ trợ cơ chế sản xuất sữa mẹ và cần được nghiên cứu đầy đủ về các tác động đối với bé. Các bà mẹ nuôi con bú nên tìm đến các chuyên gia sữa mẹ để được tư vấn và áp dụng các phương pháp không dùng dược liệu (kể cả thảo dược), ví dụ như đảm bảo cho bé bú đúng cách, massage, bú/ hút thường xuyên hơn, dùng mhs để tăng thời gian bơm nút và có được sự hỗ trợ tinh thần tối đa trong gia đình và cộng đồng.
5- Chẩn đoán bằng hình ảnh (DIAGNOSTIC IMAGING)
Nếu có thể, nên hoãn việc sử dụng các chẩn đoán bằng hình ảnh cho đến khi bà mẹ cai sữa.
X quang và siêu âm ok trong thời gian cho con bú.
MỈR chụp cắt lớp có sử dụng thuốc tiêm phản quang, cần trì hoãn việc cho bú, cho đến khi thuốc đc đào thải đến mức an toàn (cần đc tra cụ thể tên thuốc và liều dùng).
Khi nhất thiết phải dùng đến các phương pháp trị liệu phóng xạ, nên tạm ngưng cho con bú hoặc cách ly với con trong một thời gian (3-4 tuần tuỳ theo pp trị liệu), cho đến khi tác động của chất phóng xạ ngay trong các cơ trong bầu vú giảm xuống.
Sữa mẹ vẫn nên được vắt ra trong thời gian đó và trữ đông cho đến khi tác động phóng xạ bị mất đi (sau 4 tuần), và sữa đó có thể được sữ dụng bình thường. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thử máu để đảm bảo lượng phóng xạ trong máu đã hạ xuống ở mức an toàn, trước khi bắt đầu cho bé bú lại.
6- Tiêm chủng (chích ngừa)
Ngoại trừ việc tiêm chủng bệnh đậu mùa và bệnh sốt vàng da, việc mẹ tiêm chủng/ chích ngừa không gây tác hại gì cho bé bú mẹ. Việc bé bú mẹ khi mẹ tiêm chủng không bị ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của hệ miễn nhiểm của bé, với các chích ngừa thông thường (như bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt) mặc dù trong sữa mẹ đã có kháng thể của mẹ.
Phụ nữ cho con bú cũng có thể cần phải chủng ngừa. Việc bà mẹ tiêm chủng vắc-xin bất hoạt (như uốn ván, bạch hầu, ho gà, bại liệt; cúm; viêm gan A; viêm gan không ảnh hưởng gì cho bé bú mẹ.
Một số vắc xin, chẳng hạn như uốn ván, bạch hầu, ho gà và vắc-xin thuốc chủng ngừa cúm, được khuyến cáo cho các bà mẹ trong thời kỳ hậu sản để bảo vệ cả mẹ và bé sơ sinh. Hoặc theo lịch nhắc định kỳ tiêm các loại vắc-xin định khác, chẳng hạn như HPV, viêm gan A, viêm gan B vẫn có thể tiêm được cho các bà mẹ trong thời gian đang cho con bú. Chỉ cần thận trọng khi tiêm chủng cho các bà mẹ cho con bú mà bé có bệnh đường hô hấp (ví dụ, trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh hoặc các vấn đề hô hấp mãn tính).
Hầu hết các loại vắc-xin sống sẽ tiết virus vào trong sữa mẹ. Ví dụ, mặc dù rubella tiêm chủng có thể được tiết vào sữa mẹ và truyền cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, bé thường không có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc chỉ nhiễm rất nhẹ. Do đó, tiêm chủng sau khi sinh với vắc xin sởi-quai bị-rubella được khuyến khích cho những người phụ nữ thiếu khả năng miễn dịch, đặc biệt là rubella.
Ngược lại, trẻ sơ sinh được coi là có nguy cơ cao sau khi tiếp xúc với thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa hoặc vắc-xin sốt vàng da. Vì vậy, vắc-xin bệnh đậu mùa hoặc vắc-xin sốt vàng không được chích trong quá trình cho con bú.
III- KẾT LUẬN:
Những lợi ích của sữa mẹ lớn hơn, so với nỗi lo là các dược chất, các trị liệu có thể thông qua sữa mẹ gây ảnh hưởng không tốt cho bé. Do đó, nên chọn các phương pháp trị liệu và các loại thuốc thân thiện với sữa mẹ để con được tiếp tục bú mẹ.
Mặc dù hầu hết các loại thuốc và dược pháp không gây nguy hiểm cho người mẹ trẻ sơ sinh hoặc cho con bú, các bác sĩ và bà mẹ cần cân nhắc lợi hại với các loại thuốc, loại chất mà mẹ dùng để trị liệu, đặc biệt với những chất có khả năng tích tụ trong sữa mẹ, hoặc các loại thuốc đã có kết luận lâm sàng cho thấy có trong huyết thanh của bé hoặc có tác động đối với bé.
Các bà mẹ cũng được khuyến cáo nên cân nhắc khi sử dụng (thường xuyên) các chất, các loại thuốc, thảo dược chưa được chứng minh. Các bác sĩ nhi được khuyến khích tham khảo nguồn dữ liệu tuyệt vời - LactMed.
Chúc các mẹ nuôi con tự tin hơn với sự hỗ trợ của Chuyên gia Betibuti và Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét