Vì sao trẻ "giở chứng"?(Hay cách chúng ta tương tác với trẻ dần tạo nên cá tính và hành vi.)Tuần này xin đề cập đến...
Posted by Chickadee on 10 Tháng 3 2014
Chickadee
Vì sao trẻ "giở chứng"?
(Hay cách chúng ta tương tác với trẻ dần tạo nên cá tính và hành vi.)
Tuần này xin đề cập đến một trong những vấn để nóng bỏng nhưng rất thường ngày của các gia đình cho con dưới 6 tuổi, thỉnh thoảng (hay thường xuyên) con giở chứng và không làm cách nào ông bà cha mẹ kiểm soát được.
Quan sát này được viết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế và tham khảo cuốn "Làm cha mẹ của trẻ tiền học đường _ Parenting Young Children" nằm trong chương trình STEP (systematic training for effective parenting).
Trước khi bố mẹ tìm hiểu nguyên nhân của việc giở chứng thì cũng nên hiểu rằng trẻ con thường rất tò mò, khi trẻ mệt đói hay ốm trẻ không có khả năng kiểm soát về cả cơ thể lẫn trí tuệ của bản thân mình, dẫn đến việc trẻ ăn vạ hay "ẩm ương". Có những việc có thể bạn cho con hư, nhưng thực tế có thể chỉ là chính bố mẹ quá kỳ vọng những điều không tưởng ở con mà thôi!
Dưới ánh mắt của con trẻ, chúng tôi, những thiếu nhi anh dũng sẽ giở chứng khi (1) chúng tôi cần sự chú ý, (2) chúng tôi đòi quyền kiểm soát, (3) chúng thôi quyết trả thù hay (4) là dấu hiệu tuyệt vọng vì có những việc ngoài tầm khả năng của chúng tôi.
1. Tôi cần sự chú ý.
Trẻ con đương nhiên là cần có sự quan tâm, nhưng khi trẻ lớn trẻ học được một điều là khi muốn có sự chú ý hay đòi hỏi sự quan tâm bằng cách duy nhất là "làm hư", khi đó các bậc cha mẹ bắt đầu cảm thấy sự quan tâm có thể là mầm mống của một "vấn đề".
Bé P 4 tuổi học được một vài động tác mới ở phòng tập thể dục ở trường và bé gây sự chú ý nhằm muốn khoe với mẹ. Bà mẹ, lúc này đang đọc sách ngẩng đầu lên và nói: “P ơi, cái này có vẻ khó, để xem con biểu diễn được không nào? Hay quá." Sau đó mẹ cúi xuống và tiếp tục đọc cuốn sách của mình.
P đòi hỏi có sự chú ý, và đạt được mục tiêu, bé cảm thấy cả sự thành công và sự quan tâm và từ đó cảm thấy được "hâm mộ"
Ngược lại, tính huống này có thể coi là có vấn đề khi P nghĩ rằng em chỉ được "hâm mộ" nếu mẹ phải liên tục quan sát em "biểu diễn". Bé sẽ liên tục "mẹ xem này? mẹ xem đi? mẹ thấy chưa? mẹ thấy con tài không? mẹ xem lại đi? mẹ ơi.... Xem này....mẹ". Nếu người mẹ, sau khi đã đưa cho con sự quan sát đủ và cố quay lại đọc sách, P có thể tiếp tục kêu gọi sự chú ý, hoặc thậm chí giả vờ ngã để thu hút sự chú ý. Với phong cách này, bé P misbehave để tạo sự chú ý quan tâm của người mẹ.
Bạn có thể nói, con đương nhiên cần quan tâm, thế nhưng tưởng tượng 24/7 những ví dụ như thế này xảy ra, và bé liên tục không ngừng nghỉ, từ trick này sang trick khác để thu hút sự chú ý và làm "trung tâm của thế giới người mẹ", khi lớn bé sẽ gặp trở ngại gì trong học đường khi một lớp nhiều học sinh chỉ có 1 cô giáo? hay khi mẹ có thêm em bé điều gì sẽ xảy ra???
2. Tôi cần quyền lực.
Quyền lực giúp con có cảm giác tự chủ đối với môi trường của con, là bước đầu tiên và quan trọng nhất để đi đến tự lập. Nhưng Quyền lực có thể là nguyên nhân của "giở chứng" nếu trẻ học được rằng chỉ có cách thể hiện "anh là sếp" thì anh mới chịu nghe lời. (các mẹ VN sẽ gặp trường hợp này rất nhiều).
Bé A, 18 tháng tuổi muốn được tự ăn. Bố mẹ ủng hộ em trong ý nguyện này, cho em thìa và bát thức ăn để em tự xúc ăn. Bố mẹ em chấp nhận là con ăn sẽ bẩn quần áo, ghế ăn và sàn nhà bởi vì EM TỰ ĂN. Và khi em cho được thìa vào miệng, bố mẹ sẽ bình luận "Con thấy đấy, con như bố mẹ rồi, con tự ăn một mình, con đã lớn". A có cảm giác tự chủ và được tôn trọng, và giúp em từng bước nhận biết được cảm giác làm chủ của môi trường xung quanh bàn ăn.
Nếu như bố mẹ A vẫn khăng khăng không cho con tự học ăn, và bón cho con khi con đã sẵn sàng và có mong muốn được tự bón điều gì sẽ xảy ra? Bé, thất vọng vì nhu cầu của mình không được đáp ứng có thể ngậm thật chặt miệng và có thể từ chối hoàn toàn việc ăn uống. Hoặc để con chấp nhận bố mẹ đút cho ăn có thể "đòi hỏi" cái yếm khác, cái cốc khác, cái đĩa khác, cái thìa khác, thức ăn phải xếp như thế này trên đĩa... hay tệ hơn bé đòi được ăn khi đứng trên ghế, cần ti vi, hay thậm chí ra ngoài vừa đi vừa ăn, vừa chơi vừa ăn. A có thể tiếp tục "già níu" bằng cách liên tục đặt ra các đòi hỏi khác nhau để cảm thấy mình làm chủ môi trường của mình, và bữa ăn có thể kết thúc bằng hành động ném thức ăn ra sàn khi bé muốn nghỉ, như một cách nói: "trong bữa ăn, con là sếp". Nếu bố mẹ liên tục đáp ứng các nhu cầu của A hay dù có cố gắng "chiến đấu chống trả": quát mắng, đánh đập.... bé A sẽ chỉ nhận thức và tiếp tục được khẳng định với bản thân một niềm tin rằng chỉ có cách đòi hỏi và đòi hỏi để thể hiện mình là sếp thì mới là cách duy nhất để sinh tồn và được quan tâm!
3. Tôi "trả thù".
Trẻ con đương nhiên mong muốn sự quan tâm và chú ý của người khác. Nhưng nếu trẻ không đạt được sự quan tâm mang tính chất tích cực mà trẻ muốn (lời khen, sự tán thưởng), trẻ sẽ chập nhận sự quan tâm tiêu cực (giằng co từ "không" với người lớn, hay mẹ lao ra giữ, hay mẹ quát mắng, hay tranh cãi đôi co với người lớn). Trẻ thường tự tạo ra sự tranh giành đôi co để có cảm giác có quyền lực và khẳng định sự tồn tại, nếu trẻ không cảm thấy quyền lực là cái em giành được, trẻ tiếp tục tìm đến mục tiêu thứ 3 của việc giở chứng: tôi làm hành vi xấu để trả thù. Khi trẻ có mục đích này, trẻ tin là: mình chỉ có thể khẳng định sự tồn tại của mình bằng cách đánh người khác, và làm người khác bị đau. Người khác có thể là em bé hơn, bạn bè hay ông bà cha mẹ và những người xung quanh.
Mỗi buổi sáng bố đềuphải chiến đấu với em M, 4 tuổi, để mặc được bộ quần áo và chuẩn bị cho em đi học. Vì bố M muốn con ngủ được nhiều nhất nên bố thường gọi em dậy rất muộn do đó thời gian để chuẩn bị cho em sẵn sàng đến trường là rất hạn chế. M muốn có sự chú ý bằng cách chơi trò đuổi bắt: đuổi mà bắt được con thì mới mặc được quần áo cho con. Bố thì liên tục đuổi để tìm M, người bố cảm giác tức giận, khó chịu và điên tiết. Làm cho bố điên tiết và thái độ tiêu cực là cách M làm để tạo sự quan tâm chú ý từ bố đến em và để em thể hiện "tôi tồn tại, tôi là sếp" vào buổi sáng. Và khi bố túm được em, giữ để mặc áo, em sẽ vùng vằng, quẫy đạp và thậm chí gào khóc: "con không thích", "con không mặc". Thậm chí khi đã được mặc xong em có thể cởi áo ra và cuộc chiến lại bắt đầu từ đầu cho đến khi em bị ép mặc cho xong, và ép ngồi vào ghế để đi đến trường. Đến trường, bé có thể lao vào lòng cô giáo mà nói "con yêu cô. con ước cô ở nhà con. Bố thật đáng ghét". Thế là người bố đến cơ quan với cảm giác tổn thương và tức giận!
Trẻ bé có thể "hư" để tạo sự chú ý, nhưng trẻ chỉ phát triển ý tưởng về trả thù khi bé bắt đầu bước vào ngưỡng tuổi 3-6.
4. Tôi "kém tắm".
Mục tiêu hư để cảm thấy kém cỏi để được thương hại thường chỉ xảy ra với trẻ trên 3 tuổi. Cách thể hiện mình chưa có đủ các tố chất như các bạn khác để được cảm thông và sau dần là cách để bé nói "đừng mong chờ gì vào con". Trẻ tin là con chả làm được gì, là mọi người nên bỏ cuộc đi và lại gần con để giúp con. Việc bé từ chối sự tồn tại của mình không hình thành ngay lập tức mà là kết quả của một quá trình lâu dài không được quan tâm tích cực, nhiếc móc khi làm sai và luôn có ai đó nhắc nhở hay trêu ghẹo về sự vô tích sự của bé.
Cậu của bé B để ý thấy bé B, 5 tuổi đang ngồi tô màu.
- B đã biết viết tên con chưa?
- Chưa.
- Để cậu dạy con nhé?
- Không. (lắc đầu). Con không biết viết.
- Thế con đang tô màu cái gì thế?
Cậu của B nhanh chóng đổi chủ đề sang bàn luận với bé về tô màu, cái mà bé có thể làm được và tự tin. Với cách hỗ trợ này cậu đã khuyến khích bé tự tin với cây bút để sau này bé sẽ học viết tên mình.
Hiểu sâu xa tại sao bé B cảm thấy tiêu cực về việc viết tên mình bởi khi bé tròn 4 tuổi, bé bắt đầu có hứng thú với chữ cái, khi bé bắt đầu tập viết chữ B nhưng do khả năng nhìn chưa đến độ chín của lứa tuổi và của bản thân, bé có thể viết ngược, hay viết sang chữ cái khác O hay D hay F. Và chị gái bé luôn luôn vào cuộc khi bé chưa kết thúc viết chữ và tranh giành, nhắc nhở: "sai rồi", "em không biết viết", "em chả biết gì".... và cứ thế, lâu dần hoàn thành ý niệm trong bé: "mình không biết viết" và mỗi khi viết tên bé lại có cảm giác kém cỏi mà những người xung quanh dành cho bé khi thực hiện hành động này. Bố mẹ thậm chí có thể vào cuộc, có thể ép bé viết cho đúng, hay "rèn" bé. Điều này càng làm trầm trọng hơn vấn đề.
Ở một cách tiếp cận khôn ngoan hơn của cha mẹ, họ chấp nhận bé viết ngược từ 4 tuổi, khuyến khích: "hay quá, con đang học viết tên con đấy, con thích không, mẹ thích lắm" hay để bé có không gian riêng không bị ảnh hưởng bởi chị bé thì có lẽ đến 5 tuổi bé tự biết điều chỉnh viết xuôi và không có ý niệm tiêu cực về việc học viết đến vậy.
Nên nhớ, làm cha mẹ chúng ta cần biết độ chín của thể chất và kỹ năng của trẻ. Việc cho bé tiếp cận quá sớm với "phương tiện giáo dục" khi bé chưa đủ độ chín có thể có tác dụng ngược, làm bé sớm tiếp cận với không phải là giáo dục mà là cảm giác thất bại khi làm việc quá sức và cảm giác khả năng của con bị phủ nhận mà thôi. Điều này tổn hại nghiêm trọng đến việc xây dựng niềm tin vào người khác cũng như sự tự tin của trẻ trong quá trình phát triển sau này.
Đón đọc kỳ sau:
Xác đinh vấn đề cốt lõi của hư
Cha mẹ và cách hành xử khi trẻ giở chứn
Dạy con tự lập
Khuyến khích con tự tin.
Chickadee
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét