SƯU TẦM CỦA Chickadee
Chưa ngoan, và cách chèo lái trước khi trở thành “hư”.
27 Tháng 3 2014 lúc 10:18
Cha mẹ không làm cho trẻ hư, trẻ con chẳng phải là con rối! Con hành động và phản ứng theo cách nhìn nhận riêng của con. Tuy nhiên, PHẢN ỨNG CỦA CHA MẸ với các hành vi của con có thể là nhân tố giúp con định hình khái niệm và cảm xúc với chính những hành vi đó và sự kiện xảy ra ở môi trường xung quanh.
Bằng cách phản ứng lại với các hành vi xấu của con theo đúng cách mà con chờ đợi, cáu giận giằng co câu chữ khi con muốn “trả thù” hay khó chịu quát tháo khi con hư để gây sự chú ý…, một cách vô hình bạn càng khuyến khích con tiếp tục làm các hành vi xấu này để đạt được mục đích mà con cần (trả thù, sự chú ý). Nếu việc này lặp lại nhiều lần, con sẽ học được rằng: chỉ cho khi mình dở hơi như thế này mình mới đạt được sự quan tâm, và chỉ duy nhất cách đó mình mới khẳng định được sự tồn tại của bản thân mình.
Một ví dụ đơn giản là khi bạn luôn quan tâm đến con, luôn cho con sự chú ý, kể cả với hành vi tốt, nhưng sự quan tâm là quá nhiều _ kể cả tốt xấu: bất cứ lúc nào con cần sự quan tâm, con đều đạt được, lúc đó con sẽ chỉ cảm thấy sự tồn tại của bản thân khi con là trung tâm của sự chú ý. Con sẽ kỳ vọng là cha mẹ sẽ ngừng hết mọi việc mọi người đang làm để hướng theo con (bạn thử tưởng tượng điều này xảy ra khi nhà có khách, nhà có em bé, mẹ cha đang nói chuyện điện thoại, hay đi học lớp nhiều trẻ em khác thì sẽ thấy hậu quả là trẻ cảm thấy “vô hình” ở những môi trường mình không là cái rốn của vũ trụ, sẽ không thích đi học, không thích khách mời, có thể làm trò hư khi nhà có khách hay giả vờ ngã, lục lọi khi cha mẹ buộc phải nói chuyện điện thoại mà không thể “trông” con, thậm chí đánh em, đánh bạn, đánh những cái “rốn” của vũ trụ khác. Tệ hơn, khi con đòi hỏi sự quan tâm, mặc dù không nhận được sự quan tâm là tích cực (khen ngợi, tán thưởng) con có thể chấp nhận quan tâm tiêu cực (quát mắng, đe nẹt, dằn dỗi từ người lớn), miễn là con được khẳng định: mình vẫn là cái rốn của vũ trụ này!
Vậy, câu hỏi to đùng đặt ra ở đây, làm thế nào cha mẹ thoát ra khỏi cái bẫy vô hình đó, cha mẹ nên phản ứng thế nào với các hành vi xấu của con để nó không lặp lại, để hành vi xấu này không là tiền đề cho những hành vi xấu tương tự tiếp theo.
Câu trả lời là: CHA MẸ PHẢN ỨNG ĐỐI NGHỊCH VỚI NHỮNG GÌ CON CHỜ ĐỢI KHI LÀM HÀNH VI XẤU.
Điều này làm con thay đổi cách nhìn và quan niệm của con về các hành động của bản thân khi con không đạt được mục đích dù đã thể hiện hết các hành vi xấu của mình. Mẹ sẽ không cáu khi con đòi thách thức. Mẹ sẽ lờ đi khi con tiếp tục nài ép đòi hỏi vô lí. Mẹ sẽ bình tĩnh (mặt lạnh) khi con cố tình làm mẹ bị tổn thương….
Điều này làm con thay đổi cách nhìn và quan niệm của con về các hành động của bản thân khi con không đạt được mục đích dù đã thể hiện hết các hành vi xấu của mình. Mẹ sẽ không cáu khi con đòi thách thức. Mẹ sẽ lờ đi khi con tiếp tục nài ép đòi hỏi vô lí. Mẹ sẽ bình tĩnh (mặt lạnh) khi con cố tình làm mẹ bị tổn thương….
Điều này đòi hỏi cha mẹ biết rõ mục tiêu của các hành vi xấu của con, hay nói cách khác: con làm thế để được cái gì? Quan tâm? Quyền lực? Trả thù? Thể hiện yếu điểm. Nếu đọc đến đây đầu óc quay mòng mòng, bạn nên đọc lại phần “vì sao trẻ giở chứng” kỳ trước nữa. Hoặc nếu không biết mục đích của con, checklist nằm ở bạn, cảm xúc của cha mẹ và phản ứng của con: mời bạn đọc lại phần “ thước đo hành vi của con chính là phản ứng của cha mẹ” để xác định mục đích con tìm mỗi khi con hư.
CHA MẸ LÀM GÌ BÂY GIỜ?
Khi con đòi hỏi sự chú ý
Dù khó, nhưng khi con hư để có sự chú ý, cha mẹ nên cố gắng lờ đi. Cố gắng không tỏ ra khó chịu hay cáu giận. Cha mẹ giữ bài “lờ” khi con đòi hỏi sự chú ý. Tuy nhiên, bạn có thể quan tâm đến con khi con không “đòi” được quan tâm. Việc này làm cho trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi, nhưng học được là mỗi người là một cá thể riêng, và con nên học cách quan tâm đến mình, làm những việc mình thích để cảm thấy vui VỚI CHÍNH BẢN THÂN MÌNH chứ không phải làm để được lời khen.
*Bé K, 3 tuổi, tìm mọi cách để được sự chú ý cha mẹ bằng cách làm ồn, nói to, quát tháo trong khi cha mẹ muốn ngủ trưa, hoặc ngồi xuống xem TV hoặc đọc báo hoặc làm việc. Sau một thời gian dài, cha mẹ lờ việc K nói to làm ồn, thậm chí cho bé vào phòng riêng, góc riêng để bé có thể tự chơi một mình thì việc làm ồn làm phiền người khác trong khoảng thời gian cha mẹ cần thời gian yên tĩnh cũng giảm xuống.
Cùng lúc với việc giảm thiểu sự quan tâm chú ý đến K khi em làm ồn không đúng lúc, cha mẹ cũng dành sự chú ý cho em khi em không đòi hỏi sự chú ý: một tối, mẹ bé K vào phòng và thấy K đang vui vẻ giở từng trang sách màu của em bên cạnh bố đang ngồi đọc báo.
Mẹ nói: “K ngồi đọc sách yên tĩnh như người lớn ý, mẹ thích lắm”.
Tối hôm đó, sau khi làm mọi việc trong bếp xong xuôi, mẹ bảo K: “con mang cuốn sách lúc nãy con đọc ra chúng mình cùng đọc nhé, mẹ thấy con đọc vui thế mẹ cũng muốn biết trong sách có gì hay”*
Bằng cách cho con sự quan tâm đúng mức khi xứng đáng, con học được một điều: khi con hư để đòi hỏi quan tâm, vì con hư nên con sẽ không được chú ý. Khi con ngoan bởi chính bản thân con làm việc tốt, con xứng đáng được sự quan tâm mặc dù con không cần đòi hỏi.
Khi con hư để thể hiện quyền lợi – quyền lực
Cha mẹ ngay lập tức lùi lại, từ chối gây chiến và không chiều theo ý con (bỏ cuộc). Cố gắng đừng cáu giận. Nếu có thể, bạn cho phép con biết được hậu quả của hành vi xấu của con.
*Thường khi T, 2 tuổi, không chịu ăn, bố của T tìm mọi cách nịnh nọt, đe nẹt, dọa dẫm hay làm trò chơi, làm mặt xấu hay cho con xem ti-vi để con ăn hết bữa. Thậm chí bố em còn ép em ăn, bằng cách tiếp tục ép em ngồi trên ghế ăn không cho em xuống.
Sau đó, bố T thấy không ăn thua và gần đây bố thử một cách tiếp cận mới. Đầu tiên, bố GIẢM lượng ăn của con ở bữa ăn sáng, sau đó, khi vào bữa trưa bố chỉ cho T một lượng thức ăn nhất định phù hợp với nhu cầu của T và cho con một thời gian ngắn nhất định để ăn (10-15 phút). Khi T có tín hiệu đầu tiên của phản kháng, đòi chơi, đòi trò, đòi TV mà không quan tâm đến việc ăn, bố đơn giản nhấc con ra khỏi ghế (cho dù con mới ngồi chưa đầy 2 phút). Bố bảo: “chắc là con không đói, không cần ăn, đến bữa xế ăn luôn một thể vậy”. Bữa xế, bố T chỉ cho đúng phần của bữa xế: sữa hoặc hoa quả. Không nhiều hơn phần ăn mọi khi và tiếp tục quá trình này đến tối. T hiểu rằng việc từ chối không ăn không tạo nên cuộc chiến quyền lực như trước nữa mà thay vào đó chả ai quan tâm đến cái bụng đói của mình, mình phải sống qua ngày trong cái bụng rỗng tếch. Đương nhiên những ngày sau thái độ của T trên ghế ăn đã thay đổi. Bố áp dụng cách tiếp cận này sau 1 tuần thì cuộc chiến quyền lực trên bàn ăn giữa 2 người đàn ông đã hoàn toàn chấm dứt!*
Khi con trả thù:
Khi con trả thù thì cố không cảm thấy bị tổn thương là một việc rất khó. Nhưng nếu cha mẹ không tỏ ra bị tổn thương thì cái vòng luẩn quẩn của sự trả thù và tổn thương lẫn nhau cũng dần phai nhạt. Thay vào việc trả thù lẫn nhau, cha mẹ và con cùng xây dựng sự cảm thông, niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau.
*Bé C, 4 tuổi, có cha mẹ mới trải qua một cuộc li thân. Khi mẹ cho C vào giường ngủ, bé đứng thẳng dậy, đẩy mẹ ra, mếu và nói “ Con không thích đi ngủ với mẹ, con thích đi ngủ với bố”. Mẹ cảm thấy vô cùng buồn và tổn thương, cảm thấy bị vô ơn và nhiều cảm giác phức tạp khác, nhưng mẹ cũng hiểu rằng việc mẹ phản ứng lại với C, cáu giận hay buồn khóc không giúp được gì cho C trong việc vượt qua hoàn cảnh khó khăn này của gia đình. Mẹ chỉ nói: “Mẹ biết con thích đi ngủ với bố, cuối tuần khi con sang thăm bố, con sẽ được đi ngủ với bố”. Bằng việc tôn trọng cảm giác của con, mẹ cho C biết là mẹ hiểu và thông cảm với ước muốn của con, lâu dần mẹ dạy cho C rằng con không nhất thiết phải nói và làm những điều tổn thương để người khác chỉ để vượt quá khó khăn và cảm xúc của bản thân C.*
Khi con muốn tỏ ra yếu kém:
Nên nhớ là khi đứa trẻ tỏ ra mình yếu kém là những trẻ rất ít được động viên. Điều quan trọng nhất là cha mẹ không ép, ngược lại cũng không bỏ cuộc. Tránh mọi trêu ghẹo và mỉa mai. Tìm một điểm mạnh của con để động viên. Và chú ý đến những cố gắng dù chỉ nhỏ nhất của con để cầu tiến bộ.
*Bé M, 5 tuổi, tự xác định là mình không bao giờ biết đi xe đạp! Khi các bạn vui vẻ với bao nhiêu là xe đạp mini và xe 3 bánh thì bé xấu hổ và tự ti không bao giờ muốn mang xe của mình ra chơi cùng các bạn. Bé chỉ ngồi trên cầu trượt hoặc xích đu và quan sát các bạn đạp xe. Bà nội thông thái của M rất tế nhị, không bao giờ đề cập đến chiếc xe đạp bố mẹ mua cho M vẫn nằm trong xó nhà. Thay vào đó, bà khen ngợi em ở những môn khác: “Con đu xích đu cao nhỉ. Con cao hơn cả bà. Con bám thật là chắc, chứ bà chắc bà ngã lâu rồi, con chỉ cho bà cách bám với!”. Với cách động viên tế nhị của bà, sau một thời gian bà gây dựng cho M một niềm tin là em có khả năng làm được rất nhiều thứ. Và đến một ngày nào đó, biết đâu đấy, khi em lớn hơn một chút, khi em tự tin thêm một chút vào khả năng của bản thân, em sẽ có đủ dũng khí để học đi xe đạp. Sự kiên nhẫn, tôn trọng và khuyến khích đúng cách của bà là con đường để em gây dựng sự tự tin.*
_Cha mẹ nên hiểu gì thông qua các mục đích trẻ cần đạt được khi trẻ hư_
Cha mẹ cần hiểu rằng khi con cần sự chú ý, đó là đứa trẻ thích tham gia. Động viên việc cùng tham gia giúp đỡ gia đình và kỹ năng giao tiếp với môi trường xung quanh để bé không cảm thấy mình là cái rốn của vũ trụ mà là một cá thể của cộng đồng cùng giúp sức và tương tác, bé sẽ có được sự chú ý tích cực từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ ở gia đình.
Cha mẹ cần hiểu rằng khi con đòi quyền lực, đòi quyền tự chủ đó là khi con muốn có trách nhiệm đối với cách hành động và quyết định của bản thân, dù chỉ là quyết định nhỏ như tự ăn, tự tắm, tự đi giày… Đây là lúc thay vì chiến đấu với con, cha mẹ dạy con về sự tự lập và khả năng cá nhân (tự ăn, tự đi giày, tự mặc quần áo, tự sắp xếp phòng riêng).
Cha mẹ cần hiểu rằng đứa trẻ trả thù là một trẻ có tính cách mạnh, và mong muốn sự công bằng, bình đẳng. Với những hành vi này, cha mẹ có thể hướng đến dạy con về chia sẻ, về xếp hàng chờ đến lượt, về dọn khẩu phần ăn…
Thậm chí với trẻ tự ti coi mình thật sự yếu kém, cha mẹ cũng có thể tìm được những hướng phát triển tích cực cho con. Quan trọng là bố mẹ phải HỌC được rằng, mỗi cá thể có quá trình phát triển thể chất và tinh thần riêng, với tốc độ và thời gian không giống ai. Hạn chế tối đa sự so sánh giữa đứa trẻ, vì nó chỉ hằn sâu sự bất lực của trẻ. Trẻ có thể học đi khi 2 tuổi và có thể học nói khi 4 tuổi, điều đó không phải là trẻ yếu kém, đơn giản đó là mốc phát triển riêng của con, 3 tuổi con sẽ đi vững chãi, tại sao phải vội. 5 tuổi con sẽ hỏi mẹ đến ong đầu, sao mẹ muốn đau đầu sớm????. Kiên nhẫn, tôn trọng và khuyến khích điểm mạnh là nền tảng thiết yếu để xây dựng sự tự tin ở con
Cuối cùng, nên nhớ: các hành vi không tốt chưa hẳn đã là “hư”, đôi khi là sự thiếu chuẩn bị từ cha mẹ. Khi con nghịch chạy chơi làm vỡ bình sứ quí, thay vì quát mắng con, hãy nghĩ tại sao mình để bình quí trong tầm tay với của trẻ. Hay khi con làm rơi vãi cơm, không phải vì con nghịch mà đơn giản chỉ là khả năng điều khiển phối hợp chân tay của con chưa hoàn thiện, thay vì mỉa mai, so sánh hay trách mắng, hãy chấp nhận, tôn trọng và kiên nhẫn chờ đợi một ngày mai con phát triển hoàn thiện kỹ năng tốt hơn.
Chúc một ngày tốt lành!
Ảnh minh họa: mẫu mới của Chickadee cho mùa hè rực cháy 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét