FILE QUÀ TẶNG

FILE QUÀ TẶNG
HỌC LIỆU & File THIỀN DÀNH CHO BÉ

MIỄN PHÍ - Nhận Quà

Subscribe to our mailing list

* bắt buộc
/ / ( dd / mm / yyyy )

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

SƯU TẦM - Chickadee - 15 điểm cần lưu tâm khi làm cha mẹ của trẻ nhỏ


SƯU TẦM  -  Chickadee

15 điểm cần lưu tâm khi làm cha mẹ của trẻ nhỏ
24 Tháng 4 2014 lúc 9:32
1. Sự phát triển tâm lý tình cảm của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tích cực và sự hiểu biết của cha mẹ về "khuyến khích" chứ không phải thừa thãi sự khen ngợi. Cha mẹ có thể lưu ý một cách tế nhị các trạng thái cảm xúc của trẻ và học cách lựa chọn trạng thái nào nên can thiệp khuyến khích trẻ đồng thời với việc tạo giới hạn cho những hành vi xấu. Bố mẹ cần hiểu rằng đôi khi trẻ thể hiện các trạng thái cảm xúc khác nhau nhằm đạt được sự quan tâm chú ý, quyền lực, sự trả đũa hay là giãi bày sự bất lực của bản thân.

2. Trẻ nhỏ thường không có đủ vốn từ để thể hiện cái mình muốn, và chưa thực sự hiểu và làm chủ cảm xúc của bản thân. Con có thể dùng tiếng khóc ban đầu để thể hiện nhu cầu, nhưng sau một thời gian con sẽ học được cách dùng tiếng khóc để điều khiển cha mẹ. 

3. Trẻ buồn rầu là cách con thể hiện trước mất mát hay là cách con tự giải quyết các khung bậc cảm xúc của bản thân (ví dụ, sau một buổi đi chơi con phải về nhà, hay khi bạn con về nhà sau một buổi chơi cùng nhau). Cha mẹ lúc này cần lắng nghe và thể hiện cho con thấy bố mẹ hiểu các trạng thái cảm xúc này của con, và giúp con gọi tên cảm xúc: buồn, cáu giận, thất vọng, sợ..... Bởi khi con gọi tên được cảm xúc mình cảm thấy, con giúp chính bản thân và cha mẹ vượt qua được trạng thái này mà không cần dùng đến tiếng khóc.

4. Ghen tị thường phát triển mạnh nhất ở tuổi 18 tháng đến 3,5 tuổi; và thường ở đỉnh điểm khi gia đình có thêm em bé mới.

5. Giúp con vượt qua sợ hãi lo âu bằng:
- Cha mẹ chấp nhận "sợ hãi" là một trạng thái hoàn toàn bình thường của quá trình phát triển trẻ thơ.
- Hiểu con sợ cái gì. Nói chuyện với con về nỗi sợ của con.
- Tuyệt đối không thay đổi các giới hạn và kỷ luật cha mẹ đặt ra từ trước chỉ vì con có nỗi sợ mới.
- Giúp con hiểu các khung bậc khác nhau của tình cảm. 

(Suy cho cùng không ai có thể sống mà không sợ hãi, giúp con hiểu được nỗi sợ, hiểu con sợ gì để tôn trọng con và để con hiểu rằng việc lo lắng là trạng thái bình thường mà con sẽ phải trải qua trong cuộc sống. Lảng tránh nỗi sợ và lo lắng, nhiều khi chỉ là tiền đề cho những vẫn đề to lớn hơn sau này con sẽ gặp phải khi trưởng thành. Ngược lại, học cách kiểm soát sợ hãi và lo lắng giúp con hình thành kỹ năng tự lập và có trách nhiệm với bản thân).

Ví dụ: Bạn A, 5 tuổi, đi học buổi sáng bằng xe bus của trường. Thời gian xe chạy là 7:30 phút sáng. Thông thường, mẹ sẽ gọi bạn dậy, chuẩn bị cho bạn ăn sáng và bạn tự mặc quần áo xở giày cầm cặp lên đường. 
Hôm nay, bạn dậy nhưng tâm trạng không tốt, bạn trì hoãn ăn sáng và bạn giận dỗi với tất cả mọi người. Bạn từ chối việc lên xe bus để đi học. Mẹ bạn, sau khi kiểm tra bạn không ốm đau, quyết định đưa bạn đi học. Lúc này bạn rất sợ đến trường cùng mẹ, vì việc này rất khác mọi ngày khi bạn đến trường bằng xe bus cùng các bạn khác. Cô giáo sẽ hỏi tại sao, và bạn sẽ lộ ra là sáng bạn chưa ngoan. Bạn sợ hãi và không yên trên đường đi.

.... Hiểu được điều này, nhưng đồng thời không muốn việc từ chối đi học tiếp diễn, mẹ bạn vẫn quyết định đưa bạn đi học. Mẹ im lặng trên quãng đường đi, để bạn "tiêu hóa" hết các cung bậc của cảm giác lo lắng và sợ hãi khi phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm. Mẹ không nhiếc móc, không nói đến việc kế hoạch của mẹ bị hủy bỏ khi mẹ phải dành thời gian thêm để đưa bạn đến trường. Tại cổng trường, mẹ ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt bạn và nói: 

Bây giờ mẹ đã đưa con đến trường, con muốn mẹ đưa con vào lớp hay con tự đi.
Bạn khóc. Mẹ hỏi tại sao con khóc.
Bạn bảo con sợ cô mắng vì đi học muộn.
Mẹ nói với giọng bình tĩnh nhất có thể: mẹ biết là con đang lo lắng cô sẽ thấy bất bình thường vì hôm nay con không đi học bằng xe bus. Mẹ biết con lo không ai mở cửa trường cho con. Mẹ sẽ giúp con nhờ bác bảo vệ mở cửa trường của lớp và để cặp vào nơi qui định, nhưng mẹ chỉ giúp con lần này, lần sau nếu con lỡ xe bus, mẹ sẽ chỉ đưa con đến cổng trường thôi đấy. Mẹ giúp con làm những gì mẹ có thể, còn việc giải thích với cô tại sao sẽ là ở con.

Mẹ thực hiện đúng lời hứa, đưa con vào lớp, giúp con để cặp lên tủ và đưa con vào chỗ con ngồi. 

Bằng việc hỗ trợ nhẹ nhàng giúp con giảm qui mô của sự sợ hãi và lo lắng, nhưng không hoàn toàn triệt tiêu nó, mẹ cho con hiểu và học được rằng: cuộc sống có thể có nhiều sợ hãi và lo lắng, đôi khi nó do chính chúng ta tạo ra. Và cùng với thời gian và cách tiếp cận BÌNH TĨNH không nước mắt, con sẽ giải quyết và vượt qua nỗi sợ đó một cách nhẹ nhàng hơn. Và sau cùng, qua sự kiện này, bạn A không một lần nào lỡ xe bus nữa.

6. Ăn vạ có thể xuất phát từ sự khó khăn của con trong việc tìm ra ngôn ngữ để nói điều mình muốn hay  bất lực trong việc thực hiện một kỹ năng hành động nào đó. Cách xử trí khi trẻ ăn vạ là để trẻ khóc qua cơn ăn vạ, SAU ĐÓ mới vỗ về và giải thích cho con. Bởi sau này ăn vạ sẽ thành vũ khí con sử dụng với cha mẹ. Khi đến nước con học được cách dùng "vũ khí" ăn vạ, cách tốt nhất là cha mẹ tảng lờ và dùng "time-out"

7. Trẻ con cũng trải qua các áp lực của cuộc sống như người lớn, và một số trẻ có thể có hiện tượng đau đầu, đau bụng hoặc nôn nếu quá stress.

8. Trẻ từ 3-5 tuổi bắt đầu học được cái gì nên và không nên làm ở chốn công cộng hay ở nơi đông người. Lúc này cần đặt giới hạn hành vi đồng thời bố mẹ nên lưu ý các hành vi tích cực để khuyến khích con. Nên nhớ, khuyến khích và khen ngợi là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau và hậu quả cũng khác nhau. Để hiểu thêm về điều này, mời các bạn theo dõi các kỳ sau.

9. Kích hoạt sự quan tâm và chơi chung trong cộng đồng của trẻ. Qua đó, dạy con cách tôn trọng người khác, giúp đỡ người khác, hiểu tình cảm của người khác và khuyến khích con sẵn sàng hợp tác trong môi trường cộng đồng.

10. Nói dối và nói quá sự thật là hiện tượng PHỔ BIẾN ở trẻ tiền học đường. Con có thể nói dối về các kết quả tốt và lảng tránh kết cục xấu, hoặc nói những điều mà con mong thành sự thật (con là superman, khỏe nhất hành tinh....). Cha mẹ hiểu được giai đoạn phát triển này của con và không nên quá khích khi con nói dối (dọa nạt, mắng mỏ, hay tìm bằng được sự thật....)

11. Nếu con bị bắt nạt, con cần được học về các sự lựa chọn khi phải đương đầu với một bạn hung dữ: có thể con tránh không chơi với bạn, có thể cha mẹ cho con dời xa bạn hung dữ, hay cha mẹ dạy con nhứng điều con có thể chấp nhận và những thứ con không thể chấp nhận ở bạn hung dữ này khi 2 bạn chơi với nhau. Con có thể có quyền lựa chọn là đương đầu với bạn bằng lời nói và từ chối trở thành nạn nhân của bạn. Và cha mẹ nên tôn trọng mối quan hệ của trẻ, không quá tham gia vào nội bộ của mối quan hệ này, ngược lại có thể giúp con hình thành những cách hành xử cũng như tạo dựng sự dũng cảm và kiên định của bản thân.

Nếu con là người hay đi bắt nạt, cha mẹ cần hiểu mục đích của việc con đi dọa dẫm các bạn để làm gì. Giúp con đạt được mục đích đó bằng một cách khác chứ không phải là dọa dẫm hay đánh các bạn. Nếu việc đánh bạn còn tiếp diễn, cha mẹ nên có phương án hạn chế chơi chung. Ở xã hội phương tây, nếu trẻ hay dọa dẫm đánh bạn có thể phải trải qua các lớp tư vấn và giáo dục hành vi.

12. Không nên toilet-train con khi con chưa sẵn sàng. Hầu hết trẻ nhỏ đều chưa sẵn sàng để có thể ngồi bô và đi toilet đúng chỗ cho đến tận 2 tuổi hoặc thậm chí muộn hơn.

13. Đặt một mốc thời gian đi ngủ cố định, một qui trình chuyển trạng thái để đưa con đi ngủ: đọc sách, kể chuyện.... thường có ảnh hưởng tích cực đến việc trẻ chấp nhận đi ngủ và hạn chế sự mè nheo từ chối đi ngủ.

14. Đừng bao giờ để bữa ăn là cuộc chiến quyền lực giữa cha mẹ và con.

15. Trẻ, dù nhỏ cần được phát triển sự tự tin, dũng cảm gan dạ để chấp nhận thử thách, đối mặt vơi thử thách và vượt qua nó mà hạn chế tối đa việc dùng nước mắt. CHA MẸ, NGƯỢC LẠI, CẦN HỌC CÁCH VƯỢT QUA NHỮNG THỬ THÁCH CỦA VIỆC LÀM PHỤ HUYNH!!!!!!

Không có nhận xét nào:

facebook

TEST CHO CÁC BẠN XEM